Ngành Thông tin – Thư viện hiện đang được đánh giá là ngành có nhiều cơ hội việc làm rất hấp dẫn và hầu như các bạn trẻ sẽ không cần lo lắng tới vấn đề thất nghiệp sau khi ra trường. Nếu như bạn đang phân vân lựa chọn ngành nghề thì có thể thử sức mình với ngành Thông tin – thư viện.
GIỚI THIỆU VỀ NGÀNH THÔNG TIN – THƯ VIỆN
Ngành Thông tin – Thư viện chuyên đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực có khả năng về thông tin, lưu trữ, sắp xếp hồ sơ, phân loại thông tin, đánh bút lục, và hướng dẫn tra cứu thông tin. Đồng thời cũng nắm chắc được các hệ quản trị thư viện tích hợp trong việc quản trị thông tin, tư liệu; có khả năng nghiên cứu, làm việc độc lập, sáng tạo và phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin – thư viện.
Để có thể thực hiện tốt công việc của mình, sinh viên ngành Thông tin – Thư viện không chỉ được đào tạo kiến thức chuyên môn mà còn được rèn luyện những kỹ năng về phân tích, tổng hợp, tạo dựng các sản phẩm thông tin, số hóa tài liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu thư mục và cơ sở dữ liệu toàn văn cùng các sản phẩm thông tin tư liệu đa phương tiện khác phục vụ cho công việc.
Bên cạnh đó, những kỹ năng thực hành thành thạo các hoạt động nghiệp như: Xây dựng và phát triển nguồn tin, tổ chức kho và quản lý tài liệu, xử lý thông tin – tài liệu, xây dựng các sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện, tổ chức phục vụ người đọc, chia sẻ nguồn lực thông tin; kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng soạn thảo, kỹ năng giao tiếp nói và viết và quản lý cũng được chú trọng trong quá trình học tập.
HỌC NGÀNH THÔNG TIN – THƯ VIỆN RA TRƯỜNG LÀM GÌ?
Cơ hội việc làm ngành Thông tin – Thư viện hiện nay rất đa dạng, cụ thể những công việc mà các bạn có thể lựa chọn sau khi tốt nghiệp ra trường là:
- Phân loại dữ liệu: Phân loại và sắp xếp thông tin vào các mục phù hợp cho các công ty thương mại điện tử.
- Quản trị dữ liệu: Chuyên tổ chức, cập nhật và lưu trữ dữ liệu của tổ chức, công ty doanh nghiệp. Hoặc có thể đảm nhiệm việc môi giới cung cấp thông tin cần thiết cho đối tác có nhu cầu.
- Quản lý nội dung thông tin: Chịu trách nhiệm tìm kiếm và tổ chức hệ thống thông tin cho cộng đồng mạng online. Đáp ứng nhu cầu về tra cứu thông tin, tài liệu của người dùng.
- Lãnh đạo công nghệ thông tin người quyết định việc lựa chọn và ứng dụng những công nghệ tin học cho một doanh nghiệp và tiến hành quản lý cách thức chia sẻ thông tin giữa các thành viên trong doanh nghiệp đó.
- Xuất bản sách: Bạn có thể sử dụng kiến thức về sách đã học trong nhà trường để lựa chọn và hiệu đính những xuất bản phẩm tại các cơ quan xuất bản, phát hành sách.
- Quản lý thư viện tại các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp, trường THCS, THPT trên địa bàn cả nước.
- Ngoài ra, có thể đảm nhiệm công việc trong các cơ quan thông tin văn hóa của Trung ương đến địa phương, hay công tác tại các trang báo, tạp chí truyền thông, điện tử nhà nước và tổ chức phi chính phủ.
MỨC LƯƠNG TRUNG BÌNH CỦA NGÀNH THÔNG TIN – THƯ VIỆN
Mức lương ngành Thông tin – Thư viện đối với những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường và chưa có nhiều kinh nghiệm khoảng 5 – 7 triệu/tháng. Đối với những người đã có kinh nghiệm làm việc từ 1 – 2 năm là 7,5 – 13 triệu/tháng, tùy theo năng lực của bạn. Nếu như các bạn làm việc ở vị trí quản lý cấp cao, có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên mức lương trung bình từ 13 – 16 triệu/tháng.
MÃ NGÀNH VÀ KHỐI THI – TỔ HỢP XÉT TUYỂN
– Mã ngành Thông tin – Thư viện: 7320102
– Ngành Thông tin – Thư viện xét tuyển các tổ hợp môn sau:
- A00 (Toán, Vật lí, Hóa học)
- C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí)
- C04 (Toán, Ngữ Văn, Địa Lý)
- C20 (Ngữ Văn, Địa Lý, Giáo dục công dân)
- D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh)
- D02 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Nga)
- D03 ( Ngữ văn, Toán, Tiếng Pháp)
- D04 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Trung)
- D05 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Đức)
- D06 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Nhật)
- D78 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Anh)
- D79 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Đức)
- D80 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Nga)
- D81 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Nhật)
- D82 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Pháp)
- D83 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Trung)
CÁC TRƯỜNG ĐÀO TẠO VÀ ĐIỂM CHUẨN NGÀNH THÔNG TIN – THƯ VIỆN
Ngành Thông tin – Thư viện ở nước ta hiện nay chưa có nhiều trường đại học tiến hành tuyển sinh và đào tạo. Để theo học ngành Thông tin – Thư viện, các bạn có thể đăng ký xét tuyển vào các trường đại học sau đây:
- Đại học Sư phạm Hà Nội 2
- Đại học Văn hóa Hà Nội
- Đại học Nội vụ
- Đại học Sài Gòn
Điểm chuẩn ngành Thông tin – Thư viện năm 2020 tại các trường đại học như sau:
Tên trường | Xét theo kết quả thi THPT quốc gia | Xét theo kết quả thi THPT |
Đại học Sư phạm Hà Nội 2 | 20 | 26 |
Đại học Văn hóa Hà Nội | C00: 18 D01, D78, D96: 17 | C00: 18 D01: 18 |
Đại học Nội vụ | A01: 15 D01: 15 C00: 17 C20: 18 | A10, D01: 18 C00: 20 C20: 21 |
Đại học Sài Gòn | 20,10 |
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH THÔNG TIN – THƯ VIỆN
Chương trình đào tạo ngành Thông tin – Thư viện sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức về hoạt động thư viện và thông tin từ những vấn đề như: cách tổ chức xây dựng vốn tài liệu, cách lưu trữ và bảo quản tài liệu, đến việc khai thác xử lý thông tin, quản trị thông tin hiệu quả nhằm phục vụ cho mọi nhu cầu của bạn đọc. Giúp sinh viên thông thạo việc tổ chức và quản lý dịch vụ thông tin hoặc các tài liệu cho những người có nhu cầu cập nhật thông tin.
Tham khảo: Chương trình đào tạo ngành Thông tin – Thư viện chi tiết
NHỮNG TỐ CHẤT CẦN THIẾT KHI THEO HỌC NGÀNH THÔNG TIN – THƯ VIỆN
Để học tập và làm việc trong ngành Thông tin – Thư viện, các bạn sẽ cần phải có được những tố chất như:
- Kỹ năng phát hiện và xử lý thông tin tốt;
- Biết ngoại ngữ;
- Có khả năng giao tiếp tốt;
- Có sức khỏe tốt, chịu được áp lực công việc;
- Biết sử dụng thành thạo vi tính;
- Yêu sách, ham mê tìm tòi và học hỏi;
- Có khả năng về tổ chức, quản lý và sắp xếp công việc nhanh;
- Tính kiên nhẫn, tỉ mỉ và cực kỳ cẩn thận;
- Kỹ năng tư duy, sáng tạo.
Với những thông tin hữu ích được chia sẻ trong bài viết trên đây, hy vọng sẽ giúp cho các bạn có thêm hiểu biết về ngành Thông tin – Thư viện và có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân.
Discussion about this post