Một trong những ngành đang nhận được sự quan tâm đông đảo của các bạn thí sinh hiện nay chính là ngành Ngôn ngữ học. Đây cũng chính là ngành hiện đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Chính vì thế, theo học ngành Ngôn ngữ học sẽ giúp cho các bạn trẻ có cơ hội việc làm rất rộng mở sau khi tốt nghiệp ra trường.
GIỚI THIỆU VỀ NGÀNH NGÔN NGỮ HỌC
Ngành Ngôn ngữ học có tên tiếng Anh là Linguistics. Đây là một ngành học chuyên đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu của sinh viên về ngôn ngữ học (ngôn ngữ ký hiệu, ngôn ngữ học đường, ngôn ngữ y học, ngôn ngữ cử chỉ, ngôn ngữ giao tiếp), về văn hoá các dân tộc ở Việt nam, góp phần thúc đẩy giao lưu giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Sinh viên của ngành Ngôn ngữ học sẽ được bổ trợ rất nhiều kỹ năng cần thiết trong công việc như: giao tiếp, làm việc nhóm, sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Từ đó, giúp sinh viên có thể tiếp cận nhanh chóng với công việc sau khi ra trường.
Không những thế, sinh viên theo học ngành Ngôn ngữ học còn có khả năng nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo, quản lí về ngành ngôn ngữ học; giúp người học có thể trau dồi thêm kiến thức ở bậc Thạc sỹ, Tiến sỹ.
HỌC NGÀNH NGÔN NGỮ HỌC RA TRƯỜNG LÀM GÌ?
Cơ hội việc làm ngành Ngôn ngữ học hiện nay rất rộng mở. Các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ có đủ năng lực, kỹ năng để đảm nhận những công việc thuộc các lĩnh vực sau:
Lĩnh vực quản lý nhà nước về chính sách ngôn ngữ, dân tộc, văn hoá xã hội, quản lý ngôn ngữ, bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa dân tộc.
Nhân viên Marketing: Tại các doanh nghiệp, công ty về quảng cáo, tiếp thị, quan hệ công chúng, ngoại giao, đối ngoại.
Lĩnh vực đào tạo: Tham gia giảng dạy ngành ngôn ngữ học tại trường đại học, cao đẳng, trường trung cấp, trường nghề, trung tâm dạy nghề. Hay làm giáo viên bộ môn Ngữ văn tại các trường THPT, THCS trên địa bàn cả nước.
Lĩnh vực lưu trữ: Các sinh viên ra trường có thể làm việc tại trung tâm lưu trữ thông tin, dữ liệu, quản lý tại thư viện, trường học, trung tâm xử lý thông tin về ngôn ngữ học.
Lĩnh vực sáng tác: Các sinh viên ra trường có thể sáng tác ca từ nhạc, phê bình nghệ thuật tham gia hoạt động nghệ thuật.
Lĩnh vực dịch thuật: Sinh viên ngành ngôn ngữ học đang làm việc tại các nhà xuất bản, biên tập sách, báo, tạp chí, công tác xuất bản, công tác biên phiên dịch, biên soạn dịch thuật từ điển, sách giáo khoa, sách tham khảo.
Lĩnh vực quản lý văn phòng: Làm hành chính văn phòng như quản trị, quản lý, soạn thảo văn bản, quản lý hệ thống văn bản.
Lĩnh vực nghiên cứu : Tiến hành nghiên cứu về ngôn ngữ học, nghiên cứu chuyên ngành, liên ngành tại các trung tâm, Viện nghiên cứu, Sở nghiên cứu hay các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng.
Lĩnh vực báo chí, truyền thông: Làm biên tập báo, tạp chí, biên tập website, viết tin bài cho cơ quan báo chí. Xây dựng kịch bản truyền hình, kịch bản phim ngắn, viết nội dung tài liệu, dẫn chương trình trong lĩnh vực truyền thông, truyền hình.
MỨC LƯƠNG TRUNG BÌNH CỦA NGÀNH NGÔN NGỮ HỌC
Đến thời điểm hiện tại chưa có số liệu thống kê cụ thể về mức lương ngành Ngôn ngữ học. Tuy nhiên, với các vị trí việc làm đa dạng thì mức lương của ngành này cũng có sự khác nhau tùy thuộc vào công việc, năng lực và kinh nghiệm của mỗi người.
MÃ NGÀNH VÀ KHỐI THI – TỔ HỢP XÉT TUYỂN
– Mã ngành Ngôn ngữ học: 7229020
– Các tổ hợp môn xét tuyển:
C00 (Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa Lý)
D01 (Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh)
D02 (Ngữ Văn, Toán, Tiếng Nga)
D03 (Ngữ Văn, Toán, Tiếng Pháp)
D04 (Ngữ Văn, Toán, Tiếng Trung)
D05 (Ngữ Văn, Toán, Tiếng Đức)
D06 (Ngữ Văn, Toán, Tiếng Nhật)
D78 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Anh)
D79 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Đức)
D80 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Nga)
D81 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Nhật)
D82 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Pháp)
D83 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Trung)

CÁC TRƯỜNG ĐÀO TẠO VÀ ĐIỂM CHUẨN NGÀNH NGÔN NGỮ HỌC
Nếu có mong muốn theo học ngành Ngôn ngữ học thì các bạn có thể lựa chọn một trong số các trường sau đây:
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Khoa học – Đại học Huế
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM
Điểm chuẩn ngành Ngôn ngữ học năm 2020 tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội theo từng tổ hợp môn xét tuyển cụ thể là: C00 (25,75), D01 (24), D04 (20,25), D78 (23), D83 (18). Điểm chuẩn tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2019 theo phương thức xét điểm thi THPT quốc gia là 21,7 điểm. Điểm chuẩn tại Đại học Khoa học – Đại học Huế năm 2020 là 15,75 điểm.
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH NGÔN NGỮ HỌC
Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ học sẽ trang bị cho các bạn sinh viên đầy đủ những kiến thức đại cương về khoa học xã hội và nhân văn, kiến thức về ngôn ngữ học; để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, giảng dạy và trong công tác quản lí nhà nước về ngôn ngữ học. Giúp trau dồi kiến thức lý thuyết, kỹ năng phân tích, khả năng ứng dụng liên quan đến ngôn ngữ loài người.
Tham khảo: Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ học chi tiết
NHỮNG TỐ CHẤT CẦN THIẾT KHI THEO HỌC NGÀNH NGÔN NGỮ HỌC
Để học tập và làm việc trong các ngành nghề có liên quan tới Ngôn ngữ học thì các bạn sẽ cần phải đáp ứng được những tố chất sau đây:
Khả năng trong sáng tạo;
Có kỹ năng diễn đạt, thuyết trình tốt;
Có tính kiên nhẫn, cẩn thận trong công việc;
Kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin tốt;
Khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề nhanh chóng;
Có tính chăm chỉ, say mê tìm tòi và nghiên cứu;
Có kiến thức chuyên môn sâu, rộng;
Hiểu biết về mọi lĩnh vực trong cuộc sống và xã hội.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đây của Trang Tuyển Sinh đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan về ngành Ngôn ngữ học, từ đó có cơ sở để bạn lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực bản thân.
Discussion about this post