Ngành Luật đang là một trong những ngành học được đánh giá là tiềm năng nhất hiện nay. Đây được xem là ngành học đang thiếu hụt nguồn nhân lực giỏi trong tương lai. Rất nhiều bạn tân sinh viên đang thắc mắc không biết mình sẽ học những gì trong suốt 4 năm đại học.
Chương trình đào tạo ngành Luật
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
- Chương trình đào tạo cử nhân luật hệ đại học nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành luật những người có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp tốt, nắm vững các kiến thức cơ bản về pháp luật.
- Rèn luyện kỹ năng thực tiễn pháp lý, chính trị, kinh tế, xã hội liên quan đến pháp luật.
- Phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của ngành pháp luật Việt Nam
- Có định hướng chuyên sâu rèn luyện kỹ năng thực hành, giải quyết các tình huống trong lĩnh vực pháp luật.
- Có định hướng theo đuổi và vươn cao hơn trong lĩnh vực liên quan đến pháp luật.
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Hiện nay có rất nhiều trường đào tạo ngành luật nổi tiếng như Trường Đại học luật Hà Nội, Khoa luật – ĐH Quốc gia Hà Nội, Đại học kinh tế luật – Đại học TPHCM…. Và chương trình đào tạo ngành do Bộ giáo dục đào tạo quy định, song một số trường khác nhau sẽ có sự điều chỉnh để phù hợp với các ngành đào tạo của trường. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu Khung chương trình đào tạo ngành Luật – Trường Đại học Tài Nguyên Và Môi Trường Hà Nội.
Chương trình đào tạo ngành Luật
Theo Trường Đại học Tài Nguyên Và Môi Trường Hà Nội
MÔ TẢ CHI TIẾT MỘT SỐ HỌC PHẦN
- Lịch sử văn minh thế giới
Sinh viên Luật sẽ được học về lịch sử văn minh thế giới. Nội dung giới thiệu tổng quát về sự hình thành, phát triển các nền văn minh trên thế giới, các thành tựu chủ yếu, vai trò, vị trí của các nền văn minh này trong tiến trình lịch sử nhân loại với những nội dung cụ bao gồm: Văn minh Ai Cập, văn minh Lưỡng Hà, văn minh Ấn Độ, văn minh Trung Hoa, văn minh Hồi giáo,văn minh phương Tây từ cổ đại đến hiện đại.
- Đại cương văn hoá Việt Nam
Đại cương văn hóa Việt Nam trang bị những kiến thức về văn hóa, văn hóa học và văn hóa Việt Nam, các giai đoạn, tiến trình lịch sử Việt Nam….
- Tâm lý học đại cương
Tâm lý học đại cương sẽ giới thiệu tới các bạn những quy luật chung về sự hình thành phát triển, vận hành tâm lý con người, bao gồm các nội dung: cơ sở tự nhiên và xã hội của tâm lý người, hoạt động giao tiếp – bản thể của tâm lý người, sự hình thành nhân cách trí nhớ, tính cách, khí chất và xu hướng năng lực.
- Xã hội học đại cương
Nội dung xã hội học đại cương cung cấp cho sinh viên luật những khái quát về sự hình thành, phát triển khoa học xã hội, đối tượng và phương pháp nghiên cứu xã hội học. Nghiên cứu xã hội học, xã hội học đô thị và nông thôn, xã hội học hôn nhân và gia đình, xã hội học truyền thông, xã hội học văn hóa ….
- Logic học
Bao gồm các nội dung như sau: Những vấn đề của Logic học truyền thống; một số nội dung của Logic học hiện đại; lịch sử Logic; những quy luật, những hình thức cơ bản của tư duy.
- Lý luận Nhà nước và pháp luật I
Trang bị cho sinh viên kiến thức về đối tượng và phương pháp nghiên cứu của Lý luận Nhà nước và pháp luật; nguồn gốc, bản chất và kiểu nhà nước; chức năng, hình thức và bộ máy nhà nước; nguồn gốc, bản chất và kiểu pháp luật; chức năng, hình thức (nguồn) của pháp luật; quy phạm pháp luật; quan hệ pháp luật; ý thức pháp luật; thực hiện và áp dụng pháp luật; hành vi pháp luật và trách nhiệm pháp lý.
- Lý luận Nhà nước và pháp luật II
Những nội dung chính của Lý luận nhà nước và pháp luật II: Những kiến thức cơ bản về các kiểu pháp luật trong lịch sử: pháp luật chiếm hữu nô lệ, pháp luật phong kiến, pháp luật tư sản và pháp luật XHCN; pháp chế XHCN; pháp luật trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hệ thống hoá và giải thích pháp luật; hệ thống pháp luật Việt Nam.
- Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam
Sinh viên sẽ được tìm hiểu kỹ hơn về quá trình ra đời nhà nước đầu tiên Việt Nam là gì, nhà nước và pháp luật Việt Nam thời kỳ đấu tranh chống đồng hóa của phong kiến Trung Quốc, Nhà nước và pháp luật thời kỳ thuộc Pháp; Nhà nước và pháp luật Việt Nam từ năm 1945 đến nay.
- Lịch sử Nhà nước và pháp luật thế giới
Nội dung chính là lịch sử hình thành nhà nước và pháp luật, lịch sử nhà nước và pháp luật chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư sản; nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa.
- Luật học so sánh
Môn học này cung cấp các cơ sở lý luận cơ bản về luật học so sánh, hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới, hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, hệ thống pháp luật Anh – Mỹ, hệ thống pháp luật của các nước hồi giáo và của một số nước chịu sự ảnh hưởng của tôn giáo; hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa và hệ thống pháp luật của một số nước
- Luật Hiến pháp I
Luật Hiến Pháp I bao gồm các nội dung sinh viên được nghiên cứu: Ngành luật Hiến pháp và khoa học luật hiến pháp; sự ra đời và phát triển của Hiến pháp trong lịch sử; lịch sử lập hiến Việt Nam; chế độ chính trị của Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; chế độ kinh tế của Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ; chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; chế độ bầu cử, quốc tịch, quốc kỳ, quốc ca của Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
- Luật Hiến pháp II
Chương trình học hiến pháp II bao gồm những kiến thức tổng quan về bộ máy Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; Chủ tịch Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; Chính phủ Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; Hội đồng nhân dân; Uỷ ban nhân dân; Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân.
- Luật Hành chính
Luật hành chính sinh viên sẽ học gì? Đó là các kiến thức luật hành chính và quản lý nhà nước, các nguyên tắc cơ bản của quản lý hành chính nhà nước; hình thức và phương pháp quản lý hành chính nhà nước; thủ tục hành chính; quyết định hành chính; địa vị pháp lý hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước; địa vị pháp lý hành chính của cán bộ, công chức nhà nước; địa vị pháp lý hành chính của các tổ chức xã hội; địa vị pháp lý hành chính của công dân, người nước ngoài…
- Luật Hình sự I
Sinh viên luật cần nắm vững kiến thức về khái niệm, nhiệm vụ, nguyên tắc cơ bản của Luật hình sự, khái niệm, cấu tạo và hiệu lực của đạo luật hình sự; tội phạm; cấu thành tội phạm; khách thể của tội phạm; mặt khách quan của tội phạm; chủ thể của tội phạm; mặt chủ quan của tội phạm; các giai đoạn thực hiện tội phạm; đồng phạm; những tình tiết loại trừ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi.
- Luật Hình sự II
Với phần này các bạn sẽ được tìm hiểu về Khái niệm trách nhiệm hình sự; khái niệm và mục đích của hình phạt; hệ thống hình phạt và các biện pháp tư pháp khác; quyết định hình phạt; các chế định có liên quan đến chấp hành hình phạt; trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội.
- Luật Dân sự I
Sinh viên Luật học những nội dung chính: Khái niệm tài sản; đặc điểm của tài sản; phân loại tài sản và phân loại quyền tài sản; phân loại vật; khái niệm về quyền sở hữu; các hình thức sở hữu; căn cứ xác lập và chấm dứt quyền sở hữu; khái niệm về quyền thừa kế; thừa kế theo di chúc; thừa kế theo pháp luật và phân chia di sản thừa kế.
- Luật Dân sự II
Dân sự II là học về nội dung liên quan đến hợp đồng, các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, các điều kiện bảo đảm giao kết và thực hiện hợp đồng; sửa đổi chấm dứt hợp đồng; một số hợp đồng dân sự và một số hợp đồng khác.
- Luật Dân sự III
Nội dung học phần này sinh viên sẽ học về khái niệm đặc điểm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại…
- Luật Tố tụng hình sự I
Những nội dung chính: Khái niệm, nhiệm vụ và các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự; cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; chứng cứ trong luật tố tụng hình sự; những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự.
- Luật Tố tụng hình sự II
Học phần này các em sẽ học về các nội dung: Khởi tố vụ án hình sự; điều tra vụ án hình sự; truy tố; xét xử sơ thẩm, xét lại bản án và quyết định chưa có hiệu lực pháp luật theo thủ tục phúc thẩm; thi hành bản án và quyết định của Tòa án; xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật; thủ tục tố tụng đối với những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên và thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
- Luật Tố tụng dân sự I
Với các nội dung cơ bản mà sinh viên học về tố tụng dân sự II: Khái niệm và các nguyên tắc của Luật tố tụng dân sự; thẩm quyền của Toà án nhân dân; cơ quan tiến hành tố tụng dân sự, người tiến hành tố tụng dân sự và người tham gia tố tụng dân sự; chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự; án phí, chi phí tố tụng, lệ phí tòa án và tiền phạt trong tố tụng dân sự.
- Luật Hôn nhân và gia đình
Luật hôn nhân và gia đình sẽ học về các nội dung: Khái niệm và các nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình; quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình; sự phát triển của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam; các chế định cụ thể của Luật hôn nhân và gia đình Việt nam: kết hôn, huỷ hôn trái pháp luật; quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ với con và các thành viên khác trong gia đình; quan hệ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình; chấm dứt hôn nhân; một số vấn đề về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
- Luật Thương mại I
Các em sẽ học về: Những kiến thức chung về Luật công ty và các loại hình công ty; doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh tế cá thể; doanh nghiệp nhà nước; hợp tác xã; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Luật Thương mại II
Những vấn đề chung về thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ, giao dịch thương mại hàng hóa, pháp luật về vận chuyển hàng hóa, dịch vụ giao nhận hàng hóa và giám định hàng hóa, pháp luật về hoạt động trung gian hàng hóa.
- Luật Lao động I
Những nội dung chính bao gồm: Phạm vi điều chỉnh của Luật lao động, những nguyên tắc của Luật lao động và nguồn của Luật lao động; quan hệ pháp luật lao động; hệ thống ngành Luật lao động; cơ chế ba bên và vai trò của nhà nước trong lĩnh vực lao động; tiêu chuẩn lao động quốc tế.
- Luật Lao động II
Tìm hiểu về phân loại tranh chấp lao động, những ảnh hưởng của tranh chấp lao động đối với quan hệ lao động và xã hội; giải quyết tranh chấp lao động: những nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động và cơ chế pháp luật giải quyết tranh chấp lao động.
- Luật Tài chính I
Những nội dung chính mà sinh viên luật sẽ phải học: Lý luận chung về luật ngân sách nhà nước; chế độ pháp lý về quản lý ngân sách nhà nước; pháp luật điều chỉnh hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước; địa vị pháp lý của kho bạc nhà nước; chế độ pháp lý về hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý phạt vi trong lĩnh vực ngân sách nhà nước.
- Luật Đất đai
Sinh viên luật học về các nội dung sau đây của luật đất đai: Những vấn đề lý luận chung về sở hữu toàn dân đối với đất đai; các nguyên tắc cơ bản và chế độ quản lý nhà nước về đất đai trong điều kiện sở hữu toàn dân về đất đai; quyền sử dụng đất và địa vị pháp lý của người sử dụng đất; chế độ pháp lý của một số loại đất chuyên dụng: đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và đất ở.
- Luật Môi trường
Tìm hiểu về Pháp luật kiểm soát ô nhiễm (đánh giá tác động môi trường, hệ thống tiêu chuẩn về môi trường, những khía cạnh pháp lý về quản lý chất thải); pháp luật về bảo vệ tài nguyên và đa dạng sinh học; các khía cạnh pháp lý quốc tế về bảo vệ môi trường.
- Công pháp quốc tế I
Những nội dung chính mà các em sẽ phải học ở học phần này là: Khái niệm Luật quốc tế; cấu trúc của hệ thống Luật quốc tế; mối quan hệ giữa Luật quốc tế và luật quốc gia; Luật quốc tế trong xu hướng toàn cầu hoá; các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế; thực thi, tuân thủ Luật quốc tế; trách nhiệm pháp lý quốc tế.
- Công pháp quốc tế II
Chủ quyền quốc gia, công nhận quốc gia, thừa kế quốc gia trong Luật quốc tế; quan hệ của quốc gia đối với các chủ thể khác của Luật quốc tế; dân cư trong Luật quốc tế; lãnh thổ trong Luật quốc tế… là nội dung chính mà các em sinh viên ngành luật sẽ phải học.
- Luật Thương mại quốc tế
Những vấn đề chung về luật thương mại quốc tế; các thiết chế của luật thương mại quốc; hợp đồng thương mại quốc tế; thanh toán quốc tế và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là những nội dung sinh viên luật phải nắm rõ.
Như vậy thông qua bài viết này các bạn tân sinh viên nắm rõ ngành luật học những môn gì? Ngay từ bây giờ hãy lên kế hoạch học tập để đạt kết quả như mình mong muốn!
Discussion about this post