Bộ GD&ĐT đề xuất phương án tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025, Bộ vẫn tiếp tục tổ chức xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương, đảm bảo sự thống nhất trong đánh giá toàn quốc.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 theo phương án mới nhất của Bộ là giữ ổn định trên tinh thần không xáo trộn việc dạy học lớp 12 năm học này.
Chiều 23.9, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã họp phiên toàn thể, trong đó nội dung về định hướng tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, tuyển sinh Đại học, Cao đẳng từ năm 2021.
Vẫn có 5 bài thi
Trao đổi với sau cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – Ông Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trong phiên họp, Bộ đã đề xuất phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ giai đoạn 2021 – 2025. Phương án đề xuất được đa số thành viên Hội đồng đồng tình là đảm bảo nguyên tắc kỳ thi năm 2021, giữ ổn định và từng bước hoàn thiện mô hình như đã tổ chức năm 2020. Sẽ thực hiện phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước cùng với trách nhiệm triển khai của địa phương, cơ sở giáo dục ĐH.
Về hình thức thi, kỳ thi tốt nghiệp trong giai đoạn tới sẽ kết hợp thi trên giấy (theo phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2020) lẫn thi trên máy tính. Các địa phương cũng được khuyến khích tổ chức thi trên máy tính nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện: ngân hàng câu hỏi thi, nhân lực, thiết bị, quy trình… Thi trên máy tính cần được tính toán để bảo đảm các yêu cầu tương quan với bài thi trên giấy, thí sinh có thể được dự thi một số lần trong năm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các năm tới vẫn có 5 bài thi như năm kỳ thi THPT 2020, nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Ngân hàng câu hỏi thi sẽ được bổ sung về số lượng, đảm bảo chất lượng, khách quan, tin cậy và độ cân bằng giữa các đề thi.
Từ năm 2022, địa phương sẽ ra đề thi ?
Bộ cũng đề xuất lộ trình thực hiện phương án thi cho từ năm thi trong giai đoạn mới, cụ thể:
Năm 2021, tổ chức thi cơ bản ổn định như 2020, phù hợp với mục đích của kỳ thi; ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định về xây dựng ngân hàng câu hỏi và đề thi, quy định tổ chức thi trên máy tính và thực hiện các thử nghiệm cần thiết.
Từ 2022, tổ chức thi cơ bản như năm 2020; từng bước triển khai thi trên máy tính ( với các địa phương đủ điều kiện), giao các địa phương đủ điều kiện xây dựng và sử dụng ngân hàng câu hỏi và đề thi phù hợp với điều kiện của địa phương.
Từ 2023, chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, đề thi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ 2025 với các hình thức thi trên máy tính do địa phương chủ trì toàn diện.
Bộ cũng đề xuất trong năm 2021, thời gian đầu của giai đoạn 2021 – 2025, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức xây dựng, cung cấp đề thi cho các địa phương, bảo đảm sự thống nhất trong đánh giá toàn quốc;
Đại diện Bộ cho biết sẽ xây dựng và ban hành quy chế tổ chức thi trên máy tính, tổ chức thẩm định, giám sát đảm bảo quy định về tổ chức thi trên máy với các địa phương đáp ứng tiêu chuẩn;ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ để các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp thực hiện tuyển sinh.
Tuyển sinh ĐH: Công bố trước 3 năm nếu thay đổi lớn
Về việc tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ khẳng định thực hiện tự chủ tuyển sinh theo quy định đã đề ra. Thực hiện lộ trình đổi mới từng bước để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, tránh gây xáo trộn; tăng cường tự chủ và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong tuyển sinh.
Để bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới, cơ sở đào tạo có phương án và kế hoạch triển khai rõ ràng, thực hiện đúng cam kết; công tác tuyển sinh của trường cần ổn định trong nhiều năm, nếu dự định thay đổi lớn cần thông báo trước 3 năm.
Bộ cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH liên kết với nhau để tổ chức các kỳ thi, kiểm tra đánh giá năng lực, sử dụng chung kết quả để tuyển sinh; từng bước hình thành các tổ chức khảo thí liên kết hoặc độc lập, tránh tình trạng thí sinh phải tham dự nhiều kỳ thi gây áp lực và lãng phí.
Riêng việc tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên, cần thúc đẩy để cơ chế chính sách hỗ trợ sớm đi vào thực tiễn. Ngoài ra, phải linh hoạt trong nguồn tuyển (không chỉ phụ thuộc vào thi tốt nghiệp THPT).
Bộ cũng yêu cầu tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của quá trình tuyển sinh ĐH, CĐ.
Discussion about this post