Tiện ích của điện thoại thì không cần bàn cãi, nhưng việc cho học sinh sử dụng phương tiện này đòi hỏi phải xem xét nhiều yếu tố về lứ tuổi, mục đích sử dụng để từ đó trang bị cho học sinh loại điện thoại phù hợp. Vấn đề này còn đang gây rất nhiều sự tranh cãi và phản đối từ phía giáo viên và phụ huynh học sinh.
Ngoài giờ học ai quản?
Cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động tức là chúng ta đã trao quyền cho các em nhưng người lớn phải có trách nhiệm giám sát. Cho sử dụng trong giờ học, vậy khi hết giờ thì trách nhiệm quản lý sẽ thuộc về ai? Thời gian ra chơi, chuyển tiết, đầu giờ và cuối giờ học, thời gian học thêm, thời gian ở nhà thì việc kiểm soát sẽ như thế nào?
Tất cả chỉ mới thấy mặt lợi của việc sử dụng công cụ này trong học tập mà quên đi những mặt trái của việc sử dụng phương tiện này đối với lứa tuổi học sinh dưới 16 tuổi. Ngay cả với học sinh THPT và sinh viên, việc sử dụng điện thoại khi đến lớp cũng phải có những quy ước nhất định chứ không tự do sử dụng.
Khi có luật cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp, thầy cô được quyền yêu cầu học sinh phải trang bị và mang theo điện thoại để đi học và từ đó điện thoại sẽ trở thành công cụ học tập như sách vở, bút viết. Không chỉ thế, với một số môn học thì điện thoại sẽ trở thành công cụ học tập bắt buộc mà tất cả học sinh đều phải trang bị.
Mặt bằng giá điện thoại thông minh cũng không hề rẻ. Việc trang bị thêm phương tiện này cũng là gánh nặng với nhiều gia đình. với trường hợp có học sinh có – học sinh không có thì nhà trường và thầy cô sẽ xử lý thế nào? Rồi việc bảo quản sẽ như thế nào? Những học sinh không được phụ huynh trang bị phương tiện này như số đông thì ảnh hưởng tâm lý các em này như thế nào?
Nguy cơ nghiện Smartphone
Chúng ta đòi hỏi nền giáo dục phải bắt kịp xu hướng chung nhưng thực tế trình độ và hệ thống giáo dục của nước nhà đến đâu? Với các nước phát triển, một lớp học chỉ có khoảng 15-20 học sinh, việc kiểm soát các hoạt động của học sinh rất thuận tiện. Nhưng cũng rất hạn chế việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Thay vào đó, nhiều trường trang bị Tab cho học sinh, chỉ cho học sinh truy cập vào các App do trường cài đặt và mã hóa.
Nhiều quốc gia đang dần xiết chặt việc học sinh sử dụng điện thoại và cấm học sinh mang điện thoại đến trường như: Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc,… bởi phần lớn các kết quả nghiên cứu đều cho thấy việc trẻ sử dụng điện thoại không mang lại nhiều kết quả tích cực so với những tiêu cực mà chúng ta phải nhận lấy.
Hiện nay, phần lớn phụ huynh đều không trang bị điện thoại cho con. Nhưng tình trạng trẻ em nghiện game là một hiện tượng đáng báo động. Nếu mỗi em học sinh đều được trang bị một chiếc điện thoại thông minh thì tình trạng này sẽ như thế nào?
Rất nhiều học sinh, sinh viên bị những di chứng nghiện smartphone và việc cai nghiện thực sự vô cùng khó khăn. Nhiều trẻ có những biểu hiện bất bình thường trong cử chỉ, giao tiếp và không tập trung vào các buổi học, sinh hoạt tập thể…Vì vậy, việc cho phép học sinh được sử dụng điện thoại di động trong lớp dù có theo chỉ dẫn của giáo viên thì cũng là việc làm không cần thiết và để lại nhiều hệ lụy về sau cho các bạn nhỏ.
Theo Tienphong.vn
Discussion about this post